Thứ năm, 14/05/2015, 10:06:10

Chi tiết tin

GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TRONG CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO

Qua cuộc vận động đăng ký thoát nghèo bền vững tại huyện miền núi Nam Trà My, có rất nhiều hộ từ chỗ nghèo đói đã vươn lên khá giả.

Gia đình chị Hồ Thị Kim Viên ở tại thôn 1, xã Trà Mai trước đây thuộc diện nghèo khó nhất xã. Ngày mới lập gia đình, cả hai vợ chồng đều không có việc làm, không có đất đai canh tác nông nghiệp. Thế rồi với sự hỗ trợ, vận động của chính quyền, chị Viên đã tập trung phát triển chăn nuôi heo để cải thiện cuộc sống. Bình quân mỗi năm chị nuôi hơn chục con heo, xuất bán được hơn 30 triệu đồng. Chồng chị thì đi làm thêm để tăng thu nhập. Nhờ biết cách làm ăn, tích lũy tài chính mà gia đình chị Viên đã sắm sửa tiện nghi sinh hoạt như ti vi, xe máy, tủ lạnh… con cái được học hành đầy đủ. Không những thế, từ số tiền lãi của việc chăn nuôi heo, hai vợ chồng còn mua được hơn 5 héc ta đất rừng để trồng quế, trồng keo. Mới đây khi tham gia đăng ký thoát nghèo theo cuộc vận động của huyện, chị Viên được hỗ trợ một con bò giống để phát triển chăn nuôi. Hiện gia đình đang đầu tư xây dựng thêm căn nhà mới để cho thuê. Nhờ có ý chí vươn lên và biết cách làm ăn hiệu quả, biết tích lũy kinh tế nên gia đình chị Hồ Thị Kim Viên quyết tâm đăng ký thoát nghèo bền vững vào năm 2016. “Muốn nuôi heo hiệu quả thì mình phải biết trồng rau lang, rau môn và cho ăn thêm bột cám. Thời gian rảnh mình đi hái rau xanh mang đi bán cũng được 50 đến 100 nghìn đồng mỗi ngày. Chồng mình thì đi làm thêm mỗi ngày thu nhập cũng được 200 nghìn đồng. Nhưng để thoát được nghèo thì mình phải biết để dành, mình bán hai con heo thì phải mua lại bốn con. Như vậy mới phát triển được” - chị Viên chia sẻ.

Mặc dù không có đất sản xuất nhưng với mô hình chăn nuôi gia đình chị Viên đã thoát nghèo. Ảnh: H.T
Mặc dù không có đất sản xuất nhưng với mô hình chăn nuôi gia đình chị Viên đã thoát nghèo. Ảnh: H.T

Còn đối với gia đình anh Đinh Văn Thấn ở thôn 1, xã Trà Mai là hộ có rất nhiều đất nương rẫy nhưng anh Thấn chọn cách phát triển cây chuối mốc thay vì trồng các loại cây truyền thống. Theo anh Thấn, bình quân mỗi buồng chuối bán tại chỗ cũng thu được hơn 50 nghìn đồng. Hơn nữa khi trồng đủ 200 gốc chuối hiệu quả sẽ được huyện hỗ trợ 3 triệu đồng tiền mua giống. Hiện giờ gia đình anh Thấn đã phát triển được hơn 500 gốc chuối mốc, dự kiến sang năm sẽ cho thu hoạch quả. Cạnh đó gia đình anh Thấn còn vay vốn trong gói khuyến khích thoát nghèo để mua 6 con bò về chăn thả và được hỗ trợ vốn mua thêm một con bò giống. Anh Thấn đã dành hơn 5 héc ta đất nương rẫy để quy hoạch khu chăn nuôi bò theo hướng chuồng trại. Thời gian rảnh rỗi anh Thấn tập trung trồng keo, trồng quế, thu hái cau, lấy mật ong rừng, mua chuối mốc về bán với mức thu nhập mỗi tháng trên 3 triệu đồng. Và hiện giờ gia đình anh đã thực sự thoát nghèo bền vững. “Tôi thấy trong việc chăn nuôi thì chỉ có nuôi bò là hiệu quả nhất. Bởi vì bò ít bị dịch bệnh, thức ăn tự nhiên sẵn có, không cần chăn dắt. Một con bê khoảng 8 tháng tuổi hiện bán được hơn 10 triệu đồng nên hiệu quả rất cao. Mình phải biết phấn đấu vươn lên, thấy họ làm gì hiệu quả thì mình cũng bắt chước làm theo. Phải lo cho tương lai con cái chứ sống mà nghèo mãi thì dị lắm. Ở làng tôi có nhiều hộ làm ra nhiều tiền nhưng tiêu pha, rượu chè suốt nên vẫn nghèo quanh năm. Mình phải biết tranh thủ chương trình giảm nghèo mà Nhà nước đang giúp đỡ thì mới khá lên được” - anh Thấn cho biết.

Ngoài hai hộ kể trên thì ở Nam Trà My hiện cũng có nhiều gia đình đã tìm cho mình con đường làm ăn hiệu quả. Phấn khởi nhất đó là bà con đã biết thay đổi phương thức sản xuất sang hàng hóa, đồng thời cũng tận dụng lợi thế, tiềm năng từng vùng miền để đầu tư. Theo số liệu điều tra năm 2014 cho thấy, huyện Nam Trà My hiện có 4.100 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 62,69% và 1.026 hộ cận nghèo. Để nhanh chóng giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu, trong năm 2015 địa phương đã vận động được 394 hộ đăng ký thoát nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên do nhận thức của bà con còn hạn chế nên việc tìm hướng phát triển kinh tế bền vững gặp nhiều lúng túng. Trước tình hình này, chủ trương của huyện Nam Trà My là vận động các cơ quan, doanh nghiệp ở huyện đăng ký giúp đỡ, hướng dẫn các hộ nghèo cách làm ăn hiệu quả. Đến nay, có 90 cơ quan, doanh nghiệp và trường học đăng ký giúp cho 198 hộ nghèo. Cạnh đó huyện cũng sẽ tăng cường cử cán bộ, đảng viên thường xuyên xuống tận làng nóc để tư vấn, hướng dẫn các hộ nghèo cách phát triển kinh tế hiệu quả nhất. Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Nguyễn Thế Phước khẳng định: “Chúng tôi xuống tư vấn, chỉ cho các gia đình biết vợ làm việc gì, chồng làm việc gì để có kế hoạch làm ăn cụ thể. Như người chồng có thể giữ bò trên rẫy và trồng chuối, keo còn người vợ ở nhà chăm con và tranh thủ trồng rau, sắn để nuôi heo. Hiện một buồng chuối bán được hơn 50 nghìn, một con heo từ 2 đến 3 triệu đồng. Rồi bò mẹ mỗi năm sẽ đẻ ra bê. Cộng tất cả khoản thu nhập này lại thì chắc chắn người dân sẽ thoát nghèo. Chúng tôi xác định đây là giải pháp tốt nhất cần triển khai”.

Là huyện có tỷ lệ hộ nghèo thuộc diện cao nhất nước, Nam Trà My đang tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Theo ông Phước, để làm được điều đó, ngoài việc đổ tiền vào hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế thì quan trọng nhất vẫn là tập trung tuyên truyền, vận động các hộ nghèo nâng cao ý thức, biết tranh thủ mọi cơ hội để vươn lên và đặc biệt là biết tích lũy dành dụm, không tiêu xài phung phí.

Tác giả: HOÀNG THỌ

Nguồn tin: Báo Quảng Nam (quangnam.com.vn)


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TRÀ MAI - NAM TRÀ MY - TỈNH QUẢNG NAM
Số điện thoại : (02353)... - Fax: (02353)...
Email:...
Địa chỉ: Xã Trà Mai - Nam Trà My - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập